– Nơi yên nghỉ của vị vua thứ 12 của triều Nguyễn – vua Khải Định, phản ánh rõ tính cách xa hoa của vua lúc sinh thời. Ra đời trong sự giao thoa văn hóa Đông – Tây, tính văn hóa truyền thống bị phai mờ nhưng đã mở ra một cái nhìn mới, một kiến trúc mới.
Lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng, là nơi yên nghỉ của vua Khải Định (1885 – 1925) – vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, trị vì 9 năm (1916 – 1925), tọa lạc ở trên triền núi Châu Chữ, phía Tây Nam của Kinh Thành Huế, thuộc xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Thuyết minh về Lăng Khải Định - TP Huế
Lăng chính thức được khởi công xây dựng năm 1920 và mãi 11 năm sau, đến năm 1931 mới hoàn tất, do Tiền quân Đô Thống Phủ Lê Văn Bá chỉ huy, người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, ông cũng chính là tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.
Vật liệu xây dựng lăng được sử dụng toàn bộ bằng sắt thép, xi măng nhập từ nước Pháp, khác hoàn toàn so với vật liệu truyền thống của dân tộc như gỗ, đá, vôi,…. Bên cạnh đó, đồ trang trí bên trong Cung Thiên Định (Công trình quan trọng nhất của Ứng Lăng) được nhập từ Nhật Bản, Trung Hoa về. Để có kinh phí xây dựng một khu lăng hoành tráng như vậy, vua Khải Định đã xin Chính phủ Pháp cho tăng thuế ruộng đất (thuế điền) trong cả nước lên 30% và sử dụng số tiền này để xây dựng khu lăng. Hành động này của vua đã bị lịch sử phê phán gay gắt, nhân dân oán trách, để lại một hình ảnh không tốt về một vị “Thiên tử” trong lòng người dân.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét